Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2011

Mua máy tính bỏ túi theo nhu cầu

Máy tính điện tử bỏ túi (calculator) có thể chia làm nhiều nhóm theo chức năng: đơn giản, khoa hôc, lập trình, đồ thị, tài chính - thống kê,... Mỗi loại có thể đáp ứng một hay nhiều mục đích sử dụng khác nhau.

Loại đơn giản (còn gọi là máy bỏ túi và để bàn): Chỉ bao gồm các phép tính cộng trừ nhân chia, căn bậc hai và phím gán/gọi bộ nhớ. Loại này phù hợp cho nhu cầu tính toán đơn giản phổ thông. Tùy mục đích dùng mà cần chọn loại thích hợp, chẳng hạn hay tính toán mọi nơi thì máy nhỏ gọn dễ dàng mang theo, nếu dùng để tính tiền trong kinh doanh thì có thể cần loại màn hình lớn. Phím bấm lớn có thể rất cần thiết vì giúp dễ nhìn các con số và dễ bấm hơn phím nhỏ. Một số sản phẩm còn dùng như một móc khóa trang trí nên có kích thước rất nhỏ và xinh xắn.

Máy tài chính - thống kê (Ficancial): Đây là loại máy đặc biệt, bao gồm các phép tính như lãi suất, công nợ. Thường dùng cho các tính toán liên quan đến tài chính nên các phép tính này được gán cho các phím bấm riêng biệt, giúp người sử dụng nhanh chóng tính toán mà không cần tham khảo các công thức liên quan (khá rắc rối).

Máy tính khoa học (Scientific): Bao gồm các phép tính như lũy thừa, căn bậc cao, logarit, hàm lượng giác, lượng giác ngược, một số máy còn có khả năng giải phương trình bậc hai, hệ phương trình tuyến tính 2 hay 3 ẩn, tính đạo hàm tại một điểm, tích phân xác định... Các máy tính này một số được phép mang vào phòng thi theo quy định của Bộ Giáo Dục.

Máy lập trình (Program): Thường luôn là máy khoa học nhưng có thêm biến nhớ và các hàm lập trình đơn giản, một số máy như Casio Classpad 300/330 hay Texas Instruments có khả năng lập trình nâng cao. Loại này phù hợp cho nhu cầu tính toán cao và không được phép mang vào phòng thi.

Máy đồ thị (Graphing): Thường luôn là máy khoa học và lập trình. Có khả năng vẽ đồ thị, tối thiểu là hàm đơn giản cho đến các đồ thị phức tạp như conic, hệ phương trình, đồ thị vi phân, đồ thị 3D... Loại này cũng không được phép mang vào phòng thi.

Với loại máy đơn giản đáp ứng đa số nhu cầu tính toán bình thường, có thể chọn mua tùy theo túi tiền. Chúng có giá từ vài chục ngàn cho đến vài trăm ngàn đồng. Trong khi đó, máy tài chính - thống kê lại có mức giá khá cao do mục đích chuyên dụng của nó, giá khoảng trên 500.000đ tùy model. Hiện thông dụng ở Việt Nam có model Casio FC 200V/FC 100V hay TI BA II Plus/Professional.

Với các model máy khoa học, lập trình và đồ thị, chúng hoàn toán đáp ứng được nhu cầu giải quyết các tính toán hoc học sinh - sinh viên, giảng viên, nghiên cứu,... Tuy nhiên như đã đề cập, nếu đang là học sinh phổ thông thì chỉ nên mua và tập sử dụng các model được phép mang vào phòng thi theo qui định.

Cho đến thời điểm này, Bộ Giáo Dục cũng đã nới rộng cho các máy khoa học có phép tính thuận và hiển thị như viết tay (Natural Display). Vì vậy, chọn mua các máy tính loại này khá thuận tiện cho việc học tập. Tiêu biểu là các model Casio FX-500ES/570ES (mức giá từ 250.000 - 320.000đ). Việc chọn mua các máy cao cấp chỉ nên dùng cho mục đích tham khảo hay các nhu cầu riêng biệt. Ngoài ra, VinaCal (một thương hiệu của Việt Nam) cũng ra mắt các sản phẩm có thiết kế rất trẻ trung, nhiều màu sắc để đáp ứng cho các bạn ở lứa tuổi học sinh.

Pin cho máy tính khá quan trọng, thường thì tuổi thọ của chúng khá cao (2 - 3 năm) cho các máy đơn giản. Ở các máy cao cấp do bộ xử lý mạnh và màn hình lớn nên tiêu thụ pin khá nhanh (thường dùng 4 pin AAA). Với các máy cao cấp này, luôn kiểm tra và thay pin kịp thời để tránh mất dữ liệu hay chảy pin làm hư hỏng. Nguồn năng lượng mặt trời chỉ có ở các máy tiêu thụ pin thấp như máy đơn giản hay các máy khoa học phổ thông.

Các máy cao cấp (đồ thị, lập trình) do đáp ứng nhu cầu riêng nên đòi hỏi tính mạnh mẽ của bộ xử lý, đồng thời thuận tiện cho người dùng nên đã có các model màn hình cảm ứng (Casio Classpad 300/330), màn hình màu (Casio FX-CG10/20), màn hình lớn và dùng phần mềm giải toán( TI-Nspire, TI-Nspire CAS)... Các model này đòi hỏi người dùng phải có kiến thức về toán học, việc bảo quản máy cũng phải cẩn thận vì giá của chúng khá cao. Một điều khá lạ là tuy có cách tính toán gần giống nhau nhưng ở các model này trong các phép tính phức tạp lại cho kết quả khác nhau trong cùng một phép tính. Cũng do tính chất phức tạp của chúng nên luôn có các bản cập nhật phần mềm để sửa lỗi và nâng cấp tính năng, người dùng nên theo dõi từ website chính hãng để cập nhật thông tin này.

Thêm một lưu ý là khi chọn mua các máy tính cao cấp, hãy chắc chắn rằng model đó còn được hỗ trợ từ nhà sản xuất. Khá nhiều sản phẩm đã không còn được hỗ trợ, được bán trên thị trường là hàng tồn đọng hay "second-hand" có thể sẽ gây rắc rối trong quá trình sử dụng.